Trồng cây trong nhà không chỉ làm đẹp cho ngôi nhà của bạn và giờ bạn muốn tìm các loại cây trồng thanh lọc không khí trong nhà hiệu quả như thường xuân, lan ý, trầu bà… để trồng trong nhà? Những loại cây cảnh như vậy có tác dụng rất tốt cũng như còn có khả năng thanh lọc không khí, hấp thụ chất ô nhiễm trong môi trường sống đem lại không gian sống trong lành, khỏe mạnh cho gia đình. Một lưu ý là bạn đừng bao giờ tưới quá nhiều nước vì độ ẩm của đất có thể khiến nấm mốc phát triển.
Dưới đây là 12 cây bạn nên trồng trong nhà, theo phân tích của Bill Wolverton trong cuốn sách “Plants: Why You Can’t Live Without Them”.
1. Cây thường xuân (Ivy, Hedera Helix)
Loại cây dây leo này phát triển mạnh trong không gian nhỏ. Nó cũng phát triển tốt ở trong phòng có cửa sổ hay nắng nhạt.
Tán lá rậm rạp của thường xuân hấp thụ rất tốt formaldehyde (còn gọi là phoóc môn), một trong những chất gây ô nhiễm không khí trong nhà phổ biến nhất, vốn được sử dụng nhiều trong các vật liệu như gỗ dán, thảm, xốp cách điện và nhựa gỗ. Các vật liệu này sẽ thải ra formaldehyde rất chậm theo thời gian. Hít thở phải formaldehyde ở nồng độ cao có thể gây ra các kích thích mắt, làm chảy nước mắt và đau đầu, nóng trong cổ họng, khó thở và ung thư.
2. Lan ý, còn gọi là huệ hòa bình (Peace Lily, Spathiphyllum)
Đây là cây xứ nóng, thân thảo, thích nghi với môi trường có ít ánh sáng nhưng đòi hỏi phải tưới nước thường xuyên và độc hại cho vật nuôi… Cụm hoa có một màu trắng dày trên cành thẳng đứng, trông rất kiêu sa. Lan Ý thích hợp trồng trong chậu nhỏ trong nhà, văn phòng hay bồn ngoài hiên, sảnh…
Cây có thể lọc được benzene VOC, một chất gây ung thư có nhiều trong sơn, chất đánh bóng, sáp đánh bóng đồ nội thất. Nó cũng trung hòa aceton, formaldehyde và trichloroethylen, vốn được phát ra từ thiết bị điện tử, chất kết dính và chất tẩy rửa.
3. Cây trúc mây, còn gọi là mật cật hoặc hèo quạt (Lady Palm, Rhapis Excelsa)
Cây dễ trồng, đẹp mắt. Cao 1-2 m, gốc có nhiều rễ phụ và chồi bên. Thân nhẵn, đốt đều đặn, mang nhiều bẹ khô do lá rụng để lại. Cây ưa sáng hoặc chịu bóng bán phần, thích hợp làm cây trồng nội thất, giai đoạn còn nhỏ đòi hỏi phải che bóng, đất thoát nước tốt. Nhu cầu nước trung bình.
Cây lọc tốt amoniac, một chất rất hại cho hệ hô hấp, vốn là thành phần chính trong chất tẩy rửa, dệt may, và thuốc nhuộm.
4. Cây dương xỉ Mỹ (Boston Fern, Nephrolepis Exaltata)
Loại cây này phù hợp với giỏ treo trong nhà. Nó được coi là một trong những máy lọc không khí hiệu quả nhất, nhưng nhu cầu về độ ẩm khá cao.
Cây hoạt động đặc biệt tốt trong việc loại bỏ formaldehyde. Một số nghiên cứu cũng cho thấy nó có thể loại bỏ kim loại độc hại như thủy ngân và asen.
5. Cây lưỡi hổ (Snake Plant, Sansevieria Trifasciata)
Loại cây này phát triển mạnh trong ánh sáng thấp. Vào ban đêm, nó hấp thụ carbon dioxide (CO2) và giải phóng oxy (một sự đảo ngược của quá trình tổng hợp oxy của hầu hết các cây). Hãy đặt một chậu gồm 2 cây trong phòng ngủ của bạn để tăng oxi trong khi bạn ngủ. Ngoài ra, bạn cũng nên đặt cây này trong phòng có nhiều máy in, máy tính.
Ngoài việc làm giảm carbon dioxide, cây lưỡi hổ còn làm giảm formaldehyde, benzene trong không khí.
6. Cây trầu bà, còn gọi hoàng tâm điệp, thiết mộc lan, (Golden Pothos, Epipremnum aureum)
Là loại cây leo rất dễ trồng, lá hình tim, xanh thẫm có gân màu vàng hay màu kem. Có thể để bình cây leo ở góc phòng hoặc treo những chậu cây nhỏ gần cửa sổ, chúng sẽ làm cho căn phòng sinh động và tự nhiên hơn rất nhiều.
Giống như nhiều cây dây leo khác, trầu bà khắc phục tình trạng có khí formaldehyde, carbon monoxide và benzene trong nhà.
7. Cây thu hải đường trường sinh (Wax Begonia, Begonia Semperflorens)
Đặt trong một khu vực có ánh sáng mặt trời phong phú, cây sẽ ra những cụm hoa trắng, hồng, đỏ rất đẹp mắt. Cây cần môi trường sinh sống được tưới tiêu nước tốt, có độ ẩm cao.
Cây có thể lọc tốt benzene và các hóa chất được sinh ra bởi toluene, vốn có trong một số loại sáp và chất kết dính. Toluen chủ yếu được dùng làm dung môi hòa tan nhiều loại vật liệu như sơn, các loại nhựa tạo màng cho sơn, mực in, chất hóa học, cao su, mực in, chất kết dính… Tiếp xúc với toluene trong thời gian đủ dài có thể bị bệnh ung thư.
8. Phất dụ mảnh, còn gọi là phất dũ trúc, hồng phát tài, huyết giác (Red-Edged Dracaena, Dracaena marginata)
Cây vùng nhiệt đới, thân cột mảnh, cao, phân nhánh ít, nhỏ. Lá tập trung ở đầu cành, dạng thuôn hẹp hình dải. Cây ưa sáng hoặc chịu bóng bán phần thích hợp làm cây trang trí nội thất, nhu cầu nước trung bình. Phù hợp với căn phòng có trần nhà cao và ánh sáng mặt trời vừa phải.
Loại cây này có thể lọc các loại khí xylene, trichloroethylene, formaldehyde vốn có nhiều trong các sản phẩm sơn mài, sơn dầu, và chống thấm.
9. Cây dây nhện (Spider plant, Chlorophytum comosum)
Loại cây này thường có thân dài, cuối thân dây điểm hoa trắng nhỏ hình ngôi sao. Có giống lá xanh tuyền hay lá xanh sọc trắng. Chỉ cần tưới khi nào đất gần khô. Cây ưa bóng râm vừa hay ngoài nắng. Đây là một lựa chọn tốt cho người mới làm vườn.
Đặt một chậu cây trên bệ hay treo một giỏ ngoài cửa sổ đầy nắng, cây sẽ giúp bạn lọc formaldehyde, benzene phân tử trong không khí.
10. Cây lô hội, còn gọi là nha đam (Aloe Vera)
Cây phát triển nhanh, chịu được khô, nóng và ưa sáng. Lô hội có thể bày trên bàn làm việc, bệ cửa, bàn nước…
Rất quen thuộc với các quý bà quý cô vì lô hội là một sản phẩm làm đẹp và lành da rất kỳ diệu. Nếu bị bỏng hay quầng thâm quanh mắt, bạn có thể lấy ngay cành cắt ra xoa vào rất có hiệu quả. Mặt khác, lô hội hấp thu tốt khí cacbonic và nhả oxy về đêm nên thích hợp đặt trong phòng ngủ hay phòng làm việc thiếu ánh sáng ngày.
11. Đa búp đỏ thanh lọc không khí, cung cấp oxi
Đa búp đỏ là loại cây có tác dụng thanh lọc không khí rất tốt. Cây cực kỳ dễ trồng, có thể dễ dàng sinh sôi trong môi trường nhiệt độ thấp và thiếu ánh sáng. Trồng đa búp đỏ, bạn có thể giúp môi trường sống của mình trở nên trong lành hơn nhiều mà không cần quá tốn công chăm sóc cho cây.
12. Cọ lá tre trong phòng giúp điều hòa không khí
Cọ lá tre đã được các nhà khoa học của NASA đánh giá là một trong những loại cây cảnh có tác dụng điều hòa không khí tốt nhất. Loại cây này có khả năng đặc biệt, loại bỏ benzen và lượng trichloroethylene trong không khí. Cọ lá tre nên được trồng ở nơi bóng râm và cần nhiều nước.
Bình Luận